Từ con số này cho thấy tình trạng DN vi phạm an toàn vệ sinh lao động đáng báo động.
Tổng kết, đánh giá Tuần lễ An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) lần thứ 15, Bộ LĐTB&XH cho biết, các bộ, ngành, địa phương cũng đã tổ chức huấn luyện an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ cho hơn 365.000 người lao động. Trong đó, một số đơn vị triển khai thực hiện tốt việc tập huấn như: Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức được gần 950 lớp tập huấn, Hà Nội hơn 500 lớp, Vũng Tàu 214 lớp... Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ LĐTB & XH Bùi Hồng Lĩnh, Phó Trưởng Ban chỉ đạo thừa nhận: qua 15 lần tổ chức Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ – PCCN vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là công tác tuyên truyền, thanh kiểm tra chưa được duy trì thường xuyên nên hiệu quả bền vững chưa cao. Hơn nữa, tại một số Bộ, ngành, địa phương việc xây dựng kế hoạch triển khai còn mang tính chung chung, chưa có chương trình hành động cụ thể, thiết thực hướng về doanh nghiệp, cơ sở; công tác chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc chưa thường xuyên, kịp thời, chưa đạt được mục đích đặt ra.
Thực tế cho thấy, tai nạn lao động, cháy nổ không hề có dấu hiệu giảm, trái lại ngày càng gia tăng thiệt hại về người và của. Thống kê của Bộ LĐTB&XH cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2013, Bộ LĐTB&XH đã thanh tra và kiểm tra về ATVSLĐ gần 14.500 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên cả nước, trong đó phát hiện gần 1.300 doanh nghiệp vi phạm.
Tại Hà Nội, theo Sở Cảnh sát PC&CC, 6 tháng qua, trên địa bàn TP xảy ra 76 vụ cháy, nổ lớn, làm chết 3 người, 11 người bị thương, thiệt hại tài sản khoảng 20 tỷ đồng (giảm 49 vụ cháy, giảm 5 người chết, 2 người bị thương và tài sản thiệt hại giảm khoảng 8 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2012). Trong đó, số vụ cháy xảy ra ở khu vực nội thành và thành phần kinh tế tư nhân vẫn chiếm tỷ lệ cao.
Tuy nhiên, trên thực tế, con số DN bị xử phạt trong 6 tháng qua vẫn khá khiêm tốn so với số DN vi phạm. Đại diện Cục An toàn lao động thừa nhận, rất khó để kiểm soát và xử lý hết số vụ vi phạm ATVSLĐ. Nhất là khi lực lượng thanh tra lao động "mỏng và yếu” như hiện nay.
Nguyên nhân dẫn đến TNLĐ nhiều và giải pháp được đưa ra cũng không ít song TNLĐ vẫn không hề có dấu hiệu giảm, trái lại ngày càng trở thành bức xúc của xã hội. Theo PGS, TS Nguyễn Hữu Chí (Trường ĐH Luật Hà Nội), có một thực tế là hiện các doanh nghiệp phần lớn không quan tâm tới công tác bảo đảm ATVSLĐ, cải thiện điều kiện làm việc nên tai nạn lao động vẫn xảy ra nhiều. Trung bình mỗi năm số vụ tai nạn lao động tăng 17,38%, số người chết tăng 7,5%. Trong khi đó, công đoàn với chức năng bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động lại ít và hoạt động mờ nhạt. Nhiều doanh nghiệp có tổ chức công đoàn nhưng chủ tịch công đoàn đồng thời là chủ doanh nghiệp nên không chú ý bảo vệ quyền lợi người lao động mà chỉ lo bảo vệ quyền lợi người sử dụng lao động. Do đó, để xây dựng môi trường làm việc an toàn cho người lao động cùng với việc tuyên truyền rất cần tăng trách nhiệm của tổ chức công đoàn cơ sở.